BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ

Chương trình Hỗ trợ Doanh nghiệp Chuyển đổi số

giai đoạn 2021-2025

Tin tức

Rào cản và khó khăn của doanh nghiệp khi chuyển đổi số

Tháng 12/2021, trong khuôn khổ Chương trình Hỗ trợ Doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thông qua Dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa (USAID LinkSME) xây dựng Báo cáo thường niên chuyển đổi số doanh nghiệp 2021: Rào cản và nhu cầu chuyển đổi số.

Một trong những phần quan trọng mà chương trình đã tiến hành khảo sát là những khó khăn, rào cản mà các doanh nghiệp gặp phải trong quá trình chuyển đổi số, theo đó có 09 rào cản mà các doanh nghiệp gặp phải khi chuyển đổi số được liệt kê như sau:

  1. Rào cản về chi phí đầu tư, ứng dụng công nghệ: Doanh nghiệp cho rằng chi phí đầu tư vào các giải pháp công nghệ số và chi phí triển khai, duy trì công nghệ tương đối cao so với các chi phí khác mà doanh nghiệp đang phải chịu, trong khi hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ vào hoạt động sản xuất kinh doanh không thể hiện rõ trong thời gian ngắn hạn
  2. Khó khăn trong thay đổi thói quen, tập quán kinh doanh: Chuyển đổi số đòi hỏi phải thay đổi thói quen, tập quán kinh doanh trong khi yếu tố này được coi là lâu dài, khó khăn khi thực hiện thay đổi, phụ thuộc nhiều vào người đứng đầu doanh nghiệp
  3. Thiếu nhân lực nội bộ để ứng dụng công nghệ số: Thiếu chuyên gia, nhân lực nội bộ am hiểu về công nghệ số là điểm nghẽn đối với doanh nghiệp, khiến khả năng đạt thành công trong chuyển đổi số thấp hơn
  4. Thiếu cơ sở hạ tầng công nghệ số: Hạ tầng công nghệ số được coi là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu khi doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số. Tuy nhiên hệ quả của chi phí đầu tư cao có thể dẫn đến việc thiếu hụt cơ sở hạ tầng cần thiết để doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số một cách hiệu quả và toàn diện
  5. Thiếu thông tin về công nghệ số: Các giải pháp và công nghệ số rất đa dạng, phong phú và liên tục được cập nhật theo nhu cầu của thị trường. Việc không nắm được thông tin về các giải pháp và công nghệ hiện có và mức độ phù hợp với doanh nghiệp có thể khiến doanh nghiệp gặp khó khăn khi bước đầu áp dụng công nghệ vào hoạt động sản xuất kinh doanh của mình
  6. Khó khăn trong tích hợp các giải pháp công nghệ số: Việc sử dụng các phần mềm quản lý, phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh một cách rời rạc và không có quy hoạch khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc tích hợp các giải pháp công nghệ thành một hệ thống xuyên suốt, gây khó khăn cho doanh nghiệp khi thực hiện chuyển đổi số
  7. Thiếu cam kết, hiểu biết của Ban lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp: Để chuyển đổi số một cách hiệu quả cần phải có sự cam kết của lãnh đạo từ cấp giám đốc điều hành cho đến cán bộ quản lý cấp trung. Do vậy, đây là một trong các yếu tố quan trọng để tránh việc chuyển đổi số được triển khai dang dở hoặc chưa được đầu tư đúng mức
  8. Thiếu cam kết, hiểu biết của người lao động: Để dẫn dắt và triển khai chuyển đổi số thành công, người lao động cần phải được đào tạo đầy đủ nhận thức về tầm quan trọng của chuyển đổi số. Việc người lao động không chấp nhận rủi ro, ngại thay đổi và bước ra “vùng an toàn” có thể khiến việc triển khai chuyển đổi số trở nên gian nan hơn
  9. Sợ rò rỉ dữ liệu cá nhân/ doanh nghiệp: Chuyển đổi số không còn là khái niệm mới, tuy nhiên e ngại về vấn đề bảo mật thông tin khi sử dụng các giải pháp công nghệ, v.v. khiến các doanh nghiệp chưa dám bước ra khỏi giới hạn an toàn để thay đổi.

(Nguồn: Cục Phát triển doanh nghiệp – Bộ Kế hoạch và Đầu tư)

Kết quả khảo sát cho thấy, có đến 60,1% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết rào cản mà họ gặp phải khi áp dụng công nghệ số là bởi chi phí đầu tư, ứng dụng công nghệ còn cao. Điều này một phần cũng do tác động bởi đại dịch Covid-19 khiến các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn về giảm doanh thu, thiếu hụt nguồn vốn nói chung, trong đó ảnh hưởng đến chi phí đầu tư, triển khai, duy trì các giải pháp cho chuyển đổi số cho chuyển đổi số.

Khó khăn trong thay đổi thói quen, tập quán kinh doanh được coi là rào cản lớn thứ hai khiến doanh nghiệp găp khó khăn, chiếm tỷ lệ 52,3% số doanh nghiệp khảo sát. Qua phản ánh của các doanh nghiệp, việc chuyển đối số sẽ thay đổi thói quen và cách làm việc của người lao động. Một số doanh nghiệp đã ứng dụng phần mềm nhưng nhân viên, người lao động không ứng dụng, hoặc chỉ ứng dụng một phần, khiến mục tiêu chuyển đổi số của doanh nghiệp không đạt được mục tiêu đề ra.

Tiếp đến, khó khăn về thiếu nhân lực nội bộ để ứng dụng công nghệ số là rào cản thứ ba, chiếm 52,3% số doanh nghiệp tham gia khảo sát. Trong một năm qua, nhận thức về chuyển đổi số của doanh nghiệp đã được cải thiện nhiều, nhiều doanh nghiệp đã có ý định, nhu cầu chuyển đổi số. Khi doanh nghiệp bắt đầu mục tiêu chuyển đổi số, thì bắt gặp khó khăn về việc thiếu các cán bộ có kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng để triển khai dự án chuyển đổi số cho doanh nghiệp mình.

Rào cản lớn thứ tư đối với doanh nghiệp chính là thiếu cơ sở hạ tầng công nghệ số, được 45,4% doanh nghiệp phản ánh. Thiếu thông tin về công nghệ số và Khó khăn trong tích hợp các giải pháp công nghệ số là hai rào cản chính tiếp theo, chiếm tỷ lệ lần lượt là 40,4% và 38,5%.

Các rào cản còn lại như Thiếu cam kết, hiểu biết của Ban lãnh đạo và quản lý doanh nghiệp; Thiếu cam kết, hiểu biết của người lao động; và Sợ rò rỉ dữ liệu cá nhân, doanh nghiệp xếp ở mức thấp nhấp với tỷ lệ lần lượt là 32,1%, 26,6% và 23,4%.

Qua kết quả khảo sát cũng như qua phỏng vấn chuyên sâu khi xây dựng Lộ trình chuyển đổi số cho một số doanh nghiệp, Chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận diện một số hạn chế, khó khăn của doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi số như sau:

* Hạn chế về nguồn tài chính triển khai chuyển đổi số: Các dự án chuyển đổi số có thể tốn nhiều chi phí đầu tư, trong khi năng lực tài chính của các doanh nghiệp, đặc biệt là DNNVV còn khá hạn chế. Chi phí triển khai chuyển đổi số không chỉ bao gồm chi phí đầu tư thêm các công nghệ số, mà có thể phát sinh thêm các chi phí như:

 – Chi phí thay đổi quy trình, đào tạo nhân sự để thích ứng với quy trình mới;

– Chi phí đầu tư cho hạ tầng công nghệ thông tin: Việc phải triển khai một số hệ thống công nghệ thông tin sẽ dẫn tới việc tăng đầu tư và các chi phí vận hành hệ thống công nghệ thông tin; trong nhiều trường hợp, thách thức sẽ lớn hơn nếu phải thay đổi, xóa bỏ các hệ thống truyền thống.

– Chi phí trong việc xây dựng hệ thống, đảm bảo an ninh, an toàn và phòng chống rủi ro: So với các mô hình kinh doanh truyền thống thì việc chuyển đổi số, áp dụng nhiều công nghệ, lưu trữ và phân tích dữ liệu sẽ dẫn tới việc cần thiết phải bảo vệ an ninh, an toàn dữ liệu của các hệ thống.

Việc phải trang bị, đầu tư mà chưa nhìn rõ kết quả, lợi ích của chuyển đổi số trong tương lai là một thách thức rất lớn để các chủ doanh nghiệp quyết định đầu tư ngân sách cho chuyển đổi.

* Thách thức trong thay đổi, điều chỉnh văn hóa tổ chức: Các dự án chuyển đổi số có thể tác động đến mô hình hoạt động của doanh nghiệp, các quy trình, hoạt động cụ thể và có thể tác động đến cơ cấu tổ chức, nhân sự và văn hóa của doanh nghiệp, thói quen và cách làm việc. Doanh nghiệp cần phải sẵn sàng để có những điều chỉnh cần thiết và phù hợp. Đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, đây không phải là khó khăn quá lớn. Nhưng đối với doanh nghiệp quy mô vừa và lớn, cơ cấu tổ chức phức tạp với nhiều phòng ban, bộ phận và nhiều cấp quản lý thì đây là một rào cản rất lớn. Điều đó khiến việc tích cực truyền thông, đào tạo về chuyển đổi số trong các doanh nghiệp quy mô vừa và lớn là điều cần thiết.

* Hạn chế về nhận thức, năng lực triển khai: Với rất nhiều doanh nghiệp chưa có nhiều kinh nghiệm về ứng dụng, khai thác công nghệ thì việc quyết định thực hiện chuyển đổi số như thế nào, lựa chọn các giải pháp nào là một rào cản rất lớn. Chuyển đổi số nếu chỉ trong kế hoạch mà không có nhân lực phù hợp triển khai thì cũng thành vô nghĩa. Để dẫn dắt, triển khai được chuyển đổi số, nhân sự thường phải có kiến thức và kinh nghiệm về cả kinh doanh và công nghệ, được sự tin tưởng của cả bộ máy lãnh đạo. Các doanh nghiệp quy mô càng lớn thì thách thức này càng khó khăn, phức tạp.

* Hạn chế về thông tin các giải pháp chuyển đổi số: Hiện nay, các giải pháp số trên thị trường của các nhà cung cấp trong nước và quốc tế rất đa dạng và phong phú. Tuy nhiên, để xác định được đâu là giải pháp phù hợp với điều kiện, nhu cầu của cơ sở sản xuất kinh doanh không phải là đơn giản, nhất là các doanh nghiệp quy mô vừa và lớn, cần các giải pháp công nghệ phức tạp và tốn kém chi phí.

Hầu hết các doanh nghiệp quyết định lựa chọn mua giải pháp thông qua tư vấn của các nhà cung cấp giải pháp công nghệ và đôi khi chưa khách quan và phù hợp nhất với cơ sở sản xuất kinh doanh. Qua trao đổi, phỏng vấn chuyên sâu với các doanh nghiệp, các nhu cầu sau được các doanh nghiệp phản ánh khi triển khai chuyển đổi số:

– Cần có các cơ quan, tổ chức đóng vai trò như một kênh độc lập để đánh giá khách quan ưu, nhược điểm của các giải pháp công nghệ để các cơ sở sản xuất kinh doanh có đủ thông tin về các giải pháp công nghệ số để quyết định lựa chọn. Đồng thời, đây cũng là những thông tin hữu ích để hỗ trợ doanh nghiệp cung cấp giải pháp hoàn thiện các giải pháp của mình.

– Cung cấp đầy đủ thông tin, minh bạch và phân tích cho các cơ sở sản xuất kinh doanh trong quá trình chuyển đổi số về tất cả các khía cạnh trong chuyển đổi số (về tính sẵn sàng, hiệu quả của giải pháp kinh doanh số, phân tích các công nghệ số, rủi ro, kinh phí đầu tư, v.v.).

– Nghiên cứu các ví dụ thành công điển hình để lan tỏa, truyền cảm hứng, chia sẻ.