BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ

Chương trình Hỗ trợ Doanh nghiệp Chuyển đổi số

giai đoạn 2021-2025

Tin tức

Đề xuất lộ trình chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam

  • 02 tháng 11, 2022 - 5:36 PM

  • Tác giả: Sổ tay chuyển đổi số cho DNNVV trong lĩnh vực nông nghiệp

  • Chia sẻ:

  • Tags: Kiến thức chuyên sâu

Trong giai đoạn 4.0 hiện nay, chuyển đổi số là điều tất yếu với mỗi doanh nghiệp. Tuy nhiên, chuyển đổi số trong các doanh nghiệp tại Việt Nam, đặc biệt là đối với DNNVV trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn còn rải rác và chưa có sự đồng nhất. Bài viết này sẽ đưa ra một lộ trình phù hợp cho các doanh nghiệp triển khai công nghệ để phát triển, giúp các doanh nghiệp có định hướng chính xác nhất trong việc chuyển đổi số.

Hiện nay, đối với ngành nông nghiệp tại Việt Nam, lộ trình để các DNNVV có thể tiến hành chuyển đổi số bao gồm 06 giải pháp, áp dụng cho từng quy trình khác nhau trong chuỗi giá trị. 06 giải pháp đó bao gồm:

  • Giải pháp truy xuất nguồn gốc
  • Giải pháp thu thập, phân tích dữ liệu
  • Tự động hóa trong sản xuất
  • Giải pháp quản lý thông tin lưu kho
  • Bán hàng đa kênh
  • Giải pháp cung cấp thông tin và hỗ trợ kết nối người bán/người mua

 6 giải pháp chuyển đổi số đề xuất cho DNNVV trong lĩnh vực nông nghiệp ở Việt Nam

Các giải pháp được áp dụng phù hợp vào các khâu khác nhau trong chuỗi giá trị như lộ trình nêu trên. Việc áp dụng các giải pháp công nghệ có thể tiến hành tuần tự hoặc song song, tùy vào tiềm lực của doanh nghiệp. Tuy nhiên, 02 giải pháp mà doanh nghiệp cần ưu tiên triển khai sớm là giải pháp bán hàng đa kênh và truy xuất nguồn gốc để tăng doanh thu, tăng liên kết trong chuỗi.

Ví dụ minh họa về quy trình xác định, lựa chọn và triển khai giải pháp chuyển đổi số 

Để minh họa cho việc lựa chọn và triển khai các giải pháp phù hợp với chiến lược tăng trưởng, mục tiêu kinh doanh, chúng tôi đưa ra một ví dụ minh họa để doanh nghiệp có cái nhìn chi tiết hơn về các bước triển khai trong doanh nghiệp.

  1. Bối cảnh:

MTV là một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thu mua, chế biến, phân phối và xuất khẩu các nông sản bao gồm thanh long, xoài, chanh leo với quy mô 300 nhân sự và doanh thu đạt 100 tỷ trong năm 2021. Doanh nghiệp có liên kết với 02 vùng trồng lớn ở Bình Thuận và Đồng Tháp để thu mua nông sản của nông dân. 

Mục tiêu: 

  • Tăng trưởng doanh thu 15% so với năm trước; 
  • Trở thành thương hiệu nông sản sạch được người dùng tin cậy. 

Sản phẩm: 

  • Nông sản tươi bao gồm thanh long, xoài, chanh leo; 
  • Hoa quả đã qua chế biến bao gồm: Hoa quả sấy, mứt, nước hoa quả. 

Phân khúc khách hàng: Khách hàng của doanh nghiệp bao gồm 02 nhóm, cụ thể: 

  • Các siêu thị/cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch trong nước với sản lượng chiếm 60%; 
  • Một số siêu thị ở thị trường Châu Âu với doanh thu chiếm 40%. 

Ban lãnh đạo doanh nghiệp nhận thấy nhu cầu về chuyển đổi trong mô hình kinh doanh với sự hỗ trợ của các công nghệ số để tiếp cận nhanh hơn đến khách hàng và tăng liên kết với các mắt xích trong chuỗi giá trị nhằm tăng doanh thu và sự hài lòng của khách hàng trên thị trường cạnh tranh ngày càng cao.

  1. Xác định yêu cầu thay đổi trong mô hình kinh doanh 
  2. a) Doanh nghiệp cần trước tiên xác định mục tiêu chiến lược trong ngắn (1-3 năm) và dài hạn (3-5 năm) của mình, mục tiêu có thể bao gồm: 
  • Tăng trưởng thị phần và doanh thu; 
  • Tăng sự hài lòng của khách hàng và mức độ nhận diện thương hiệu; 
  • Cải thiện hiệu quả vận hành của doanh nghiệp; 
  1. b) Xác định các thay đổi cần thiết trong mô hình kinh doanh & hoạt động để đạt được mục tiêu chiến lược • Mô hình kinh doanh: Phân tích sử dụng mô hình kinh doanh Canvas bao gồm 7 yếu tố để xác định các thay đổi cần thiết. Theo xu hướng thị trường và sự phát triển của công nghệ, doanh nghiệp cần tập trung vào thay đổi kênh phân phối và việc quản lý khách hàng. 
  • Mô hình hoạt động: Là cách mà các nguồn lực trong doanh nghiệp phối hợp và vận hành. Doanh nghiệp có thể sử dụng nhiều mô hình khác nhau để đánh giá, tuy nhiên, một số khía cạnh cần phân tích bao gồm cơ cấu tổ chức, quy trình/chính sách, nguồn lực, v.v

Đối với doanh nghiệp MTV, mục tiêu là đạt mức tăng trưởng doanh thu kép 15% (CAGR) và trở thành thương hiệu nông sản sạch được người dùng tin cậy. Thị trường mà doanh nghiệp tập trung tăng trưởng doanh thu bao gồm thị trường cao cấp trong nước (siêu thị/cửa hàng thực phẩm sạch) và thị trường tiêu dùng Châu Âu. Với mục tiêu này, doanh nghiệp cần: 

  • Thay đổi kênh phân phối, chuyển sang bán hàng đa kênh (kênh TMĐT, mạng xã hội, website, tổng đài, v.v.) để tiếp cận được tập khách hàng lớn hơn; 
  • Chuẩn hóa quy trình sản xuất, phân phối, đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường trong nước (VietGAP) và các yêu cầu của thị trường Châu Âu; 
  • Áp dụng công nghệ để truy xuất nguồn gốc nông sản, nhằm ghi nhận đầy đủ các thông tin trong quá trình sản xuất, vận chuyển, phân phối và đem đến sự minh bạch cho khách hàng.

 Mô hình Canvas của Alexander Osterwalder và Yves Pigneur

  1. Xác định các sáng kiến và xây dựng kịch bản kinh doanh chi tiết
  2. a) Dựa trên mục tiêu và hiện trạng của doanh nghiệp, xác định các sáng kiến và đánh giá mức độ ưu tiên dựa trên mức độ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh (về doanh thu, lợi nhuận, hiệu quả hoạt động, v.v.) và các nỗ lực cần thiết mà doanh nghiệp phải bỏ ra để thực hiện sáng kiến. Doanh nghiệp có thể áp dụng các bước sau: 
  • Xác định các vấn đề trong mô hình kinh doanh và quy trình hiện tại; 
  • Xác định các sáng kiến để xử lý các vấn đề; 
  • Đánh giá ảnh hưởng mà sáng kiến có thể mang lại, cụ thể: Tăng doanh thu bao nhiêu? Giảm chi phí bao nhiêu %?v.v. 
  • Xác định các nguồn lực mà doanh nghiệp cần bỏ ra: Nhân lực, đầu tư hệ thống, v.v
  • Kết hợp các đánh giá về mặt định tính và định lượng để xác định và ưu tiên triển khai.
  1. b) Xây dựng kịch bản kinh doanh chi tiết: Kịch bản ki nh doanh chi tiết là bản tính toán các tác động đến kinh doanh & chi phí mà doanh nghiệp cần bỏ ra để thực hiện dựa trên các đầu vào và giả định. Các cấu phần trong kịch bản kinh doanh bao gồm: 
  • Các đầu vào: Chi phí cố định, biến đổi, sản lượng sản xuất, v.v. 
  • Các giả định: Xu hướng tăng trưởng của thị trường, xu hướng tiêu dùng của khách hàng, các tỷ lệ chi phí, v.v. 
  • Tính toán các chỉ số tài chính: Doanh thu, lợi nhuận, EBITDA, v.v. 
  • Phân tích độ nhạy để thấy được sự thay đổi của các chỉ số khi có sự thay đổi trong các yếu tố kinh doanh.

Để tăng trưởng doanh thu và sự tin tưởng của khách hàng, doanh nghiệp MTV xác định cần áp dụng giải pháp truy xuất nguồn gốc và giải pháp bán hàng đa kênh. Khi xây dựng kịch bản kinh doanh chi tiết, doanh nghiệp cần cân nhắc các yếu tố sau: 

  • Sản lượng tăng lên khi áp dụng bán hàng trên các kênh khác nhau; 
  • Giá bán tăng lên khi áp dụng công nghệ truy xuất; 
  • Chi phí đầu tư hệ thống: Tùy thuộc vào lựa chọn kết hợp của doanh nghiệp, đầu tư hệ thống tự động hoàn toàn hoặc kết hợp với các ghi chép thủ công? áp dụng công nghệ gì? v.v.
  1. Xây dựng đầu bài và lựa chọn nhà cung cấp

Để lựa chọn nhà cung cấp phù hợp, doanh nghiệp cần thực hiện theo quy trình sau: 

  • Xây dựng đầu bài và mô hình: Xây dựng đề bài và lộ trình triển khai (phạm vi/mô hình/phương thức triển khai, mức đầu tư, lộ trình, tổ chức đội dự án); 
  • Xây dựng tài liệu đặc tả yêu cầu người sử dụng: Ghi nhận & xây dựng yêu cầu nghiệp vụ & kỹ thuật cho hệ thống, xây dựng tiêu chí đánh giá nhà thầu triển khai hệ thống; 
  • Xây dựng hồ sơ mời thầu/hồ sơ chào giá và thực hiện chấm thầu.

Việc xác định đầu bài và yêu cầu người dùng là vô cùng quan trọng để phát triển giải pháp và lựa chọn đơn vị cung cấp phù hợp. Tùy thuộc vào quy mô đầu tư mà doanh nghiệp có thể áp dụng hình thức lựa chọn đơn vị cung cấp giải pháp phù hợp. Đối với các giải pháp với quy mô đầu tư lớn, doanh nghiệp nên áp dụng đấu thầu cạnh tranh. Đối với các giải pháp đơn giản, đầu tư không nhiều thì có thể áp dụng hình thức hồ sơ chào giá.

Tóm lại, chuyển đổi số là xu hướng tất yếu của ngành nông nghiệp Việt Nam và thế giới. Để chuyển đổi số thành công, ngành nông nghiệp cần phải triển khai các giải pháp trên nhiều phương diện và phối hợp với nhiều cơ quan, ban ngành, doanh nghiệp, nông dân…

Nguồn: Sổ tay chuyển đổi số cho DNNVV trong lĩnh vực nông nghiệp