Chuyển đổi số cho doanh nghiệp sản xuất: Lộ trình chuyển đổi và chỉ dẫn giải pháp
Hiện nay, doanh nghiệp sản xuất Việt Nam đã và đang xây dựng chiến lược chuyển đổi số nhắm vào khả năng tham gia vào chuỗi giá trị, tính bền vững và khả năng phục hồi, loại bỏ lãng phí, tối ưu chi phí và từng bước tạo giá trị gia tăng, giá trị mới. Các DNNVV cần xác định hướng đi phù hợp cho đặc thù sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp mình, trong bối cảnh kinh tế số, tận dụng được làn sóng và hiệu ứng lan toả của dòng thác cách mạng công nghiệp và xu hướng chuyển đổi số công nghiệp và kinh tế – xã hội.
Mục tiêu
Doanh nghiệp sản xuất Việt Nam xây dựng chiến lược chuyển đổi số nhắm vào khả năng tham gia vào chuỗi giá trị, tính bền vững và khả năng phục hồi, loại bỏ lãng phí, tối ưu chi phí và từng bước tạo giá trị gia tăng, giá trị mới. Các DNNVV cần xác định hướng đi phù hợp cho đặc thù sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp mình, trong bối cảnh kinh tế số, tận dụng được làn sóng và hiệu ứng lan toả của dòng thác cách mạng công nghiệp và xu hướng chuyển đổi số công nghiệp và kinh tế – xã hội.
Một sốmục tiêu trước mắt:
- Gia nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
- Từng bước mở rộng, tiến về thượng nguồn – sản xuất các vật tư, nguyên liệu đầu vào để nâng cao hiệu quả sản xuất trong nước, hạn chế nhập khẩu và tăng tính tự chủ khi gián đoạn bất thường.
- Từng bước mở rộng, xuôi về hạ nguồn. Tức là có thể xây dựng một số lượng nhất định doanh nghiệp lớn mạnh, có sản phẩm cuối, đóng vai trò đầu chuỗi.
- Tận dụng ngoại lực từ các tập đoàn, công ty quốc tế, các công ty FDI để nâng cao năng lực quản trị cho các doanh nghiệp Việt Nam, từng bước thích ứng với hệ thống, văn hoá, chuẩn mực kinh doanh quốc tế.
Một số lưu ý triển khai lộ trình
Với từng doanh nghiệp tuỳ vào đặc thù và điều kiện cụ thể của mình, cần tuần tự, song song hoặc kết hợp đưa vào chiến lược phát triển những hoạt động chuyển đổi:
a) Hiện đại hoá các hoạt động của doanh nghiệp. Tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động, tạo thêm giá trị.
b) Áp dụng triết lí công nghiệp 4.0, chuyển đổi số mô hình kinh doanh, sáng tạo các giá trị mới. Đồng thời mở rộng về 2 phía của đường cong cười, bao gồm bổ sung vào các hoạt động sản xuất cốt lõi đang có của doanh nghiệp: đi ngược lên hướng nghiên cứu phát triển và/hoặc đi xuôi về phía dịch vụ.
Nhiều nghiên cứu cho thấy sản xuất thường là khâu có giá trị gia tăng thấp nhất trong chuỗi giá trị hàng hoá: Nghiên cứu phát triển – Thiết kế – Hậu cần đầu vào (nhập) – Chế biến, chế tạo – Hậu cần đầu ra (xuất) – Tiếp thị – Dịch vụ/Hậu mãi. Việc mở rộng phạm vi hoạt động của doanh nghiệp về 2 phía của “đường cong cười”, trong khung cảnh ra đời và dần chín muồi của nhiều công nghệ, giải pháp số – cho phép thực hiện các hoạt động R&D tốn kém trước đây – vốn là lợi thế của các doanh nghiệp lớn và siêu lớn
Sau đây là một số giải pháp trọng tâm cho doanh nghiệp
Giai đoạn 1- Tạo quan hệ gần gũi với nhà cung cấp và khách hàng
Từng bước triển khai Tích hợp chiều ngang theo chuỗi giá trị, nhằm mục tiêu cải thiện hiệu quả các công tác hỗ trợ sản xuất (mua sắm vật tư, hàng hoá đầu vào), tập trung vào kết nối: quản trị tồn kho, cân đối vào – ra; cân đối hàng – tiền.
Chuyên gia của chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 khảo sát trực tiếp tại doanh nghiệp
Nhóm giải pháp trọng tâm: Tích hợp chiều ngang theo chuỗi giá trị: Quản trị kho, Quản trị quan hệ khách hàng ➞ Hỗ trợ ngay cho hoạt động SX đem hiệu quả sớm. Inventory, SCM, CRM
Tham khảo chi phí phổ biến:
– Inventory, SCM, CRM trên nền tảng đám mây 8-12 USD/ tháng/ người dùng.
– Tích hợp sẵn trong ERP trong đó: ERP tiêu chuẩn của các nhà cung cấp lớn cho 1 DNNVV: 1,5-15 tỉ; ERP mini cho DNNVV 100- 500 triệu đồng/ Online 2-40 triệu đồng.
Giai đoạn 2- Gia tăng hiệu suất vận hành
(1) Bắt đầu tích hợp dọc hệ thống sản xuất và kết nối: thu thập dữ liệu, với kỳ vọng chuyển đổi các hoạt động sản xuất kinh doanh hướng dữ liệu, việc kết nối các hệ thống sản xuất được ưu tiên để có thể sinh dữ liệu, từ đó mới có khả năng ra quyết định dựa trên dữ liệu thời gian thực. Trước tiên ưu tiên trực quan hoá: thu thập dữ liệu (thủ công/bán tự động/tự động) → giám sát hiệu năng tổng thể thiết bị (OEE), giám sát quá trình sản xuất (PM).
(2) Bắt đầu khai thác tài sản vô hình: triển khai các công tác thiết kế, mô phỏng số. Khai thác tiềm năng của các công cụ số trong hỗ trợ thiết kế và mô phỏng, để gia tăng giá trị và thậm chí có thể khai thác được ngay các sản phẩm (thiết kế) ảo. Phù hợp với các DNNVV tiềm lực tài chính rất hạn chế, không dễ dàng đầu tư vào các tài sản hữu hình đắt đỏ và không sinh lời.
Doanh nghiệp kinh doanh nội thất cho phép người dùng có thể tự phối cảnh 3D ngay với những món hàng họ muốn mua
Nhóm giải pháp trọng tâm:
– Bắt đầu tích hợp dọc hệ thống sản xuất và kết nối: thu thập dữ liệu ➞ Sản xuất-kinh doanh hướng dữ liệu
– Kết nối các hệ thống sản xuất để sinh dữ liệu ➞ khả năng ra quyết định dựa trên thời gian thực. Ưu tiên trực quan hóa OEE, dashboard
– Khai thác tài sản vô hình: sử dụng công cụ số trong thiết kế và mô phỏng, gia tăng giá trị và thậm trí có thể khai thác được ngay các sản phẩm (thiết kế ảo) CAD/CAE
Tham khảo chi phí phổ biến:
– OEE/Hệ thống giám sát dây chuyền sản xuất: Tùy thuộc vào cấu hình cụ thể, không có giá cố định. Có thể vài trăm triệu đến vài tỷ đồng, tùy thuộc vào thế hệ của thiết bị sản xuất và yêu cầu thu thập dữ liệu thủ công/bán TĐ/TĐ
– Phần mềm thiết kế cơ bản: Phần mềm 2D miễn phí. Một số phần mềm 3D được dùng thử 30 ngày. Trung bình 500 USD/năm/người dùng
Giai đoạn 3- Gia tăng tính cạnh tranh của sản phẩm
Mở rộng tích hợp theo chiều dọc của các hệ thống sản xuất và kết nối. Từng bước triển khai mở rộng các hệ thống thiết kế và mô phỏng đồng bộ và có thể chia sẻ dữ liệu sản phẩm (PDM – quản trị dữ liệu sản phẩm), hướng tới sẵn sàng chia sẻ dữ liệu thông suốt theo chu trình vòng đời sản phẩm (tích hợp đầu cuối theo quan điểm vòng đời sản phẩm), khi doanh nghiệp tiến sâu vào chuỗi.
Phát triển sản phẩm ngay trên mô hình số; Tích hợp, mô phỏng đa trường vật lý; Kiểm nghiệm / thử nghiệm ảo; Đánh giá hiệu quả sản xuất trước khi thực sự chế tạo; thử nghiệm thị trường và thậm chí bán sản phẩm ngay cả trước khi thực sự sản xuất
Đem lại trải nghiệm khách hàng rất mới, rất tiên tiến, không chỉ bán hàng thuận tiện hơn như với thương mại điện tử̉, mà cuốn hút khách hàng vào ngay từ khi lên ý tưởng và thiết kế, thử nghiệm đến sử dụng và phản hồi tích cực. Cho phép đáp ứng nhu cầu ngày càng cao hơn của khách hàng, đồng thời giảm chi phí và rủi ro cho doanh nghiệp. Càng có ý nghĩa hơn khi không có hàng tồn kho, đặc biệt quan trọng trong bối cảnh biến động.
Nhóm giải pháp trọng tâm:
- Mở rộng tích hợp theo chiều dọc của các hệ thống sản xuất và kết nối
+ SCADA, MES đơn giản, cơ bản
+ Digital Thread (từng phần)
+ Computer Vision (kiểm tra chất lượng)
– Mở rộng các hệ thống thiết kế và mô phỏng, chia sẻ dữ liệu thông suốt dọc theo chu trình vòng đời sản phẩm (tích hợp đầu-cuối).
+ PDM, PLM (từng phần)
Tham khảo chi phí phổ biến:
– CAD/CAE: trung bình 500-4000 USD/năm x số người dùng
– CAM: trung bình 500-3000 USD/năm x số người dùng. Một số phần mềm được dùng thử 30 ngày. Tại một số nước có chương trình hỗ trợ start-up dùng miễn phí 1 năm đầu, theo tháng, năm, 3 năm, vĩnh viễn; cài đặt trên máy hoặc SaaS qua Cloud.
– PLM: có những giải pháp trả theo thực tế sử dụng, qua dịch vụ trên đám mây. Quan trọng khi kết nối DN đầu chuỗi. Có xu hướng platform và “as point” kết hợp linh hoạt, rẻ hơn.
Công tác triển khai
Khi lựa chọn giải pháp và đối tác công nghệ, cần hợp tác với các chuyên gia tư vấn, xem xét tính mở, tính tương thích chéo, tính sẵn sàng kết nối/chia sẻ, khả năng hỗ trợ đào tạo, triển khai và khả năng sẵn sàng tích hợp xuyên suốt trong doanh nghiệp số tương lai, hoặc theo yêu cầu của doanh nghiệp dẫn đầu chuỗi.
Các chuyên gia và hệ thống tư vấn cần luôn có tầm nhìn xa, phối hợp hài hoà giữa bám sát các tiêu chuẩn mới phát triển của các tổ chức quốc tế, định hình thị trường của các công ty quốc tế dẫn đầu về giải pháp số hoá công nghiệp, với thực tế cần lựa chọn các giải pháp, các mô đun phù hợp, về qui mô sử dụng và tính hiệu quả kinh tế, nhưng không xâm phạm tính mở và sẵn sàng kết nối trong tương lai. Danh mục các giải pháp và công nghệ tham khảo sẽ được cập nhật thường xuyên.
Trong một số lĩnh vực sản xuất sản phẩm có yêu cầu cao, đòi hỏi tương thích nhiều hệ thống tiêu chuẩn quốc tế phức tạp, việc doanh nghiệp sử dụng giải pháp nào, hệ thống phần mềm nào cũng có thể là bảo chứng để đấu thầu hoặc bắt tay được với các đối tác dẫn đầu chuỗi giá trị.
Khi triển khai đồng thời cần lưu ý về chiến lược dữ liệu trong dài hạn, chuyển đổi từ tháp tự động hoá ISA-95 sang nền tảng sản xuất kỹ thuật số hiện đại.
Hiện nay, chuyển đổi số đang ngày càng thể hiện được sự hiện diện vững vàng của mình trên khắp các lĩnh vực, đặc biệt không thể thiếu đối với các doanh nghiệp sản xuất hiện nay. Chuyển đổi số trong sản xuất dù cấp thiết nhưng cần được triển khai có kế hoạch và thiết kế sao cho phù hợp với đặc tính của từng ngành hàng và từng doanh nghiệp.
Nguồn: Sổ tay chuyển đổi số doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động sản xuất công nghiệp