BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ

Chương trình Hỗ trợ Doanh nghiệp Chuyển đổi số

giai đoạn 2021-2025

Tin tức

Chuyển đổi số- Cần thiết để thúc đẩy sự tăng trưởng của doanh nghiệp

  • 09 tháng 12, 2021 - 11:09 AM

  • Tác giả: Cao Minh Việt

  • Chia sẻ:

Trong thời đại “chung sống với Corona”, không chỉ việc số hóa các nhà máy trở nên bức thiết, mà xu hướng số hóa trong chuỗi cung ứng nói chung sẽ ngày càng gia tăng. Vì vậy, cần phải thực hiện trực quan hóa, cơ giới hóa và tự động hóa các hoạt động của doanh nghiệp bằng kỹ thuật số. Hơn nữa, ở thời kỳ “hậu corona”, chuyển đổi kỹ thuật số sẽ biến đổi các hệ thống hiện có và tạo ra các giá trị mới.

Theo một nghiên cứu về đào tạo [1], trong thời đại chuyển đổi kỹ thuật số của cuộc cách mạng 4.0, Tổ chức lao động quốc tế (ILO) thuộc UNESCO khẳng định rằng cùng với việc nâng cao nhu cầu về các kỹ năng mới, công nghệ kỹ thuật số cũng đang tạo ra những cơ hội và thách thức mới cho các hệ thống đào tạo và phát triển kỹ năng mới phù hợp với nhu cầu chuyển đổi số. Những thay đổi về phương thức truy cập, phương pháp học tập, đánh giá và chứng nhận đang diễn ra cùng với việc đại chúng hóa và quốc tế hóa. Hơn nữa, sự phát triển các khóa học trực tuyến mở rộng quy mô lớn (MOOC) đang phá vỡ các mô hình hoạt động cũ đã được thiết lập trong lĩnh vực này. Việc sử dụng công nghệ kỹ thuật số, bao gồm tài nguyên giáo dục mở (OER), máy học và trí tuệ nhân tạo (AI) trong giáo dục và đào tạo cũng đang thúc đẩy sự thay đổi trong việc phát triển tài liệu học tập, quy trình dạy và học, cũng như thay đổi cơ bản phương pháp sư phạm. Dữ liệu thời gian thực và các công nghệ phân tích dữ liệu cũng đang bổ sung cho các hệ thống thông tin thị trường lao động truyền thống bằng cách cung cấp hiểu biết kịp thời hơn về nhu cầu thay đổi kỹ năng. Các hình thức chứng nhận mới, bao gồm chứng chỉ kỹ thuật số, chứng chỉ mở, đang hỗ trợ việc công nhận và xác nhận kết quả học tập, bao gồm cả việc học tập không chính quy và không chính thức, trong khi những nỗ lực không ngừng để số hóa hồ sơ người học đang tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển của các học viên giữa các nền tảng, tổ chức giáo dục.

Hình minh họa

Trong thời đại “chung sống với Corona”, không chỉ việc số hóa các nhà máy trở nên bức thiết, mà xu hướng số hóa trong chuỗi cung ứng nói chung sẽ ngày càng gia tăng. Vì vậy, cần phải thực hiện trực quan hóa, cơ giới hóa và tự động hóa các hoạt động của doanh nghiệp bằng kỹ thuật số. Hơn nữa, ở thời kỳ “hậu corona”, chuyển đổi kỹ thuật số sẽ biến đổi các hệ thống hiện có và tạo ra các giá trị mới.

Từ một cuộc khảo sát của Ngân hàng Thế Giới tại Việt Nam, trong giai đoạn tính đến tháng 6/2020, có 48% doanh nghiệp tại Việt Nam chuyển sang nền tảng số. Từ tháng 6 đến tháng 9-10.2020, tỉ lệ doanh nghiệp chuyển sang nền tảng số tăng lên thêm 11%. Trong khi đó, số doanh nghiệp đầu tư vào giải pháp số trong 2 giai đoạn tương ứng là 5% và 7%, và đầu tư sắp xếp lại tổ hợp sản phẩm lần lượt là 7% và 6% [2]. Ứng với các quy mô doanh nghiệp khác nhau, việc ứng dụng các giải pháp kỹ thuật số cũng khác nhau; trong đó các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) tập trung triển khai các công cụ số liên quan đến quản trị, tiếp thị, bán hàng, thanh toán. Các lĩnh vực như lập kế hoạch sản xuất, sản xuất, quản lý chuỗi cung ứng và cung cấp dịch vụ gần như chưa được triển khai ứng dụng các nền tảng kỹ thuật số. Từ đây ta có thể thấy được việc lưu trữ, quản lý dữ liệu của doanh nghiệp vẫn còn chưa được thực hiện đầy đủ. Do đó việc phân tích, đánh giá dữ liệu để đưa ra quyết định trong vận hành doanh nghiệp vẫn còn là một chặng đường dài cần đi qua.

Các công ty sản xuất vừa và nhỏ trong nước đã đáp ứng được một phần các nhu cầu về công nghiệp phụ trợ trong chuỗi cung ứng tích hợp theo chiều dọc, hỗ trợ sản xuất hàng loạt của các công ty lớn. Tuy nhiên tình hình sản xuất hàng loạt cùng một loại sản phẩm để cung cấp cho khách hàng đã và đang dần thay đổi, nhu cầu mới là sản xuất linh hoạt có sự tùy biến hàng loạt nhằm vào các nhà máy thông minh và sản xuất thông minh. Để ngành sản xuất quy mô vừa và nhỏ tồn tại và phát triển, chúng ta sẽ phải từ từ dịch chuyển khỏi cơ cấu thầu phụ và chuyển sang cơ cấu hợp tác theo chiều ngang, tận dụng thế mạnh của các công ty riêng lẻ; và mở rộng liên minh các DNNVV để tạo ra các sản phẩm tiêu dùng có giá trị gia tăng cao. Sẽ không có tương lai tươi sáng cho các doanh nghiệp trong ngành sản xuất trừ khi các doanh nghiệp đó thực hiện chuyển đổi kỹ thuật số, để chuyển mình nhằm đáp ứng được các nhu cầu mới của khách hàng.

Để đồng hành với DNNVV trong hành trình chuyển đổi số đầy gian nan, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã triển khai Chương trình hỗ trợ Doanh nghiệp Chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, phối hợp cùng USAID LinkSME. Để một DNNVV với nguồn lực ít ỏi có thể bắt đầu thực hiện CĐS, ngoài việc tự tìm hiểu hoặc tham vấn các đơn vị tư vấn, việc đầu tiên mà doanh nghiệp cần làm là dành thời gian tìm hiểu và học hỏi về CĐS, bắt đầu từ những tài liệu chuẩn về CĐS trong doanh nghiệp [3] và chương trình đào tạo dành cho các cấp lãnh đạo của doanh nghiệp để có nhận thức, kiến thức và tư duy đúng về CĐS cũng như cách thức thực hiện CĐS trong doanh nghiệp. Với mỗi doanh nghiệp khác nhau trong các ngành nghề khác nhau, việc phải bắt đầu từ đâu, có nên làm CĐS hay không là một câu hỏi không có đáp án chung; và đương nhiên càng không thể xuất phát từ cùng một điểm, hoặc sử dụng chung một công cụ phần mềm. Chuyển đổi số trong doanh nghiệp không nên bắt đầu từ phần mềm quản lý doanh nghiệp mà nên bắt đầu từ tái cấu trúc lại các hoạt động và mô hình kinh doanh của doanh nghiệp với tư duy kỹ thuật số. Từ đó mới có thể biết chính xác những việc cần làm, mục tiêu hướng đến, và sau đó là những phương thức, công cụ cần thiết nhằm đạt được mục tiêu đó.

Chuyển đổi số cũng không nên là một cuộc hành trình đơn độc. Một doanh nghiệp bất kỳ, dù là doanh nghiệp nhỏ hay một doanh nghiệp lớn đầu chuỗi cung ứng cũng đều chỉ là một thành phần trong chuỗi cung ứng đó, dù là ở quy mô địa phương hay quy mô toàn cầu. Như vậy, chắc chắn cần một cách tiếp cận mang tính hệ thống và vĩ mô về CĐS. Một hệ sinh thái CĐS cần phải bao gồm doanh nghiệp lớn đầu chuỗi, DNNVV, các Trường đại học, Viện nghiên cứu, các công ty tư vấn, chuyên gia, công ty cung cấp giải pháp; và hơn hết là sự tham gia chủ động, tích cực của các Bộ, ngành, cơ quan quản lý nhà nước để tháo gỡ các rào cản pháp lý về chính sách, quy định liên quan đến việc áp dụng các công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới phát sinh trong quá trình CĐS của doanh nghiệp. Đơn giản như các hình thức chữ ký kỹ thuật số, hợp đồng số, chứng thực số cho các giao dịch giữa các doanh nghiệp, trong nước cũng như trên toàn cầu.

Để thúc đẩy cho việc hình thành một hệ sinh thái như vậy cần sự tích cực tham gia của tất cả các thành phần.

  • Các doanh nghiệp cần liên tục áp dụng và đầu tư vào đổi mới sáng tạo và công nghệ mới.
  • Các chuyên gia & trường đại học / tổ chức đào tạo liên tục đổi mới trong các dịch vụ của mình và cạnh tranh lẫn nhau để cung cấp chúng cho người dùng cuối theo những cách mới.
  • Chính phủ và các cơ quan quản lý cần sâu sát và làm việc linh hoạt hướng tới việc loại bỏ các rào cản pháp lý không cần thiết đối với các quá trình mang tính thị trường: tài trợ cho việc xây dựng các thước đo mang tính xã hội để chứng nhận các năng lực và kỹ năng kỹ thuật số; xây dựng niềm tin vào các dịch vụ kỹ thuật số thông qua việc ứng dụng các công nghệ mới; hài hòa hóa các quy định và tiêu chuẩn giữa các ngành công nghiệp; và thúc đẩy nhận thức về giá trị của các dịch vụ kỹ thuật số.

​Cao Minh Việt

Chuyên gia Chuyển đổi số

Tài liệu tham khảo:

  1. ILO. The digitization of TVET and skills system. Geneva. UNESCO. 2020
  2. Thế Lâm. Báo Lao Động. https://laodong.vn/kinh-te/chuyen-doi-so-da-tro-thanh-con-duong-song-tai-cac-doanh-nghiep-viet-nam-899837.ldo; 4/2021
  3. http://ebook.business.gov.vn/