Đào tạo thúc đẩy chuyển đổi số và bán hàng hiệu quả trên sàn thương mại điện tử cho DNNVV tại Quảng Ninh
Ngày 10/11/2022, tại thành phố Hạ Long, Cục Phát triển doanh nghiệp – Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Ninh tổ chức “Chương trình đào tạo thúc đẩy chuyển đổi số và bán hàng hiệu quả trên sàn thương mại điện tử cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Quảng Ninh”. Chương trình nằm trong khuôn khổ dự án “Tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt nam – IPSC do Cục Phát triển doanh nghiệp là chủ dự án, Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan chủ quản và được tài trợ bởi Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID).
Lãnh đạo Cục Phát triển doanh nghiệp – Bộ KH&ĐT phát biểu khai mạc
Kết quả chương trình đào tạo sẽ góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế số đến năm 2025 của tỉnh Quảng Ninh đối với nội dung chuyển đổi số cho doanh nghiệp, cụ thể: 100% doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số; 100% tổ chức, cá nhân có kinh doanh sử dụng hóa đơn điện tử; phấn đấu toàn tỉnh quy tụ được 50 doanh nghiệp số, trong đó có ít nhất 03 doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo phát triển các sản phẩm, dịch vụ số.
Lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Ninh phát biểu tại chương trình
Với vai trò là cơ quan đầu mối quản lý nhà nước về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, Cục Phát triển doanh nghiệp – Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã và đang nỗ lực tham mưu cho Chính phủ ban hành và triển khai các chính sách, giải pháp hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp và chủ động hợp tác với các tổ chức quốc tế để có thể cung cấp nhiều chương trình, hành động cụ thể, hỗ trợ trực tiếp cho cộng đồng doanh nghiệp.
Dự án này sẽ tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp giải quyết các vấn đề nội tại về quản lý, con người, thị trường, công nghệ, tài chính. Mặc dù nguồn lực của Dự án sẽ không thể đảm bảo để hỗ trợ tăng cường năng lực trực tiếp cho toàn bộ khu vực kinh tế tư nhân nhưng với quy mô về số lượng doanh nghiệp mà Dự án dự kiến sẽ tiếp cận để cung cấp hỗ trợ kỹ thuật trực tiếp cho tối thiểu 5.000 doanh nghiệp được tăng cường năng lực, 60 DN tiên phong, 240 DN vươn ra thị trường khu vực và quốc tế thành công sẽ tạo tác động lan toả các tri thức, kết quả và bài học thành công từ Dự án cho toàn bộ cộng đồng DN.
Từ đầu năm đến nay toàn tỉnh Quảng Ninh có có 1.968 đơn vị thành lập mới, tăng 21% cùng kỳ; có 920 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 12% so với cùng kỳ; 1.418 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng tăng 24% so với cùng kỳ; 493 doanh nghiệp giải thể, tăng 15% so với cùng kỳ. Luỹ kế đến thời điểm hiện tại: Trên địa bàn tỉnh hiện có 17.762 doanh nghiệp và đơn vị phụ thuộc đăng ký, vốn đạt 385.650 tỷ đồng. Tính đến tháng 10/2022, trên địa bàn tỉnh có 10.705 doanh nghiệp đang hoạt động có kê khai thuế với tổng số lao động trên 243.000 người (tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2021).
Về tình hình hoạt động của hợp tác xã: Đã có 35 HTX được thành lập mới, tăng 16,7% so với cùng kỳ, nâng tổng số HTX toàn tỉnh đến thời điểm hiện nay là 644 HTX đăng ký. Các hợp tác xã và tổ hợp tác đã và đang đóng góp đáng kể trong quá trình xây dựng nông thôn mới, chương trình mỗi xã phường một sản phẩm, góp phần tích cực vào việc dịch chuyển cơ cấu kinh tế nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, xóa đói giảm nghèo ở các vùng nông thôn.
Việc doanh nghiệp, HTX được tiếp cận với chương trình sẽ góp phần nâng cao nhận thức chuyển đổi số cho doanh nghiệp, giảm thiểu chi phí, cải thiện chiến lược khách hàng, cải thiện hệ thống vận hành, phân tích và bảo mật dữ liệu tốt hơn, phân khúc thị trường chính xác, tăng sự đổi mới cho nhân dự, tăng tỷ lệ tiếp xúc khách hàng ở mọi lúc mọi nơi, v.v.
Một số ảnh chụp tại buổi hội thảo:
Nguồn: Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Ninh