Gần 400 doanh nghiệp nhỏ và vừa được tiếp cận, học hỏi các kinh nghiệm quốc tế và công nghiệp 4.0 từ CHLB Đức
Trong tháng 2 và tháng 3 vừa qua, Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Tổ chức Phát triển Đức GIZ, thông qua Dự án Trung tâm chuyển đổi số, tổ chức hội thảo “Kinh nghiệm quốc tế về chuyển đổi số và công nghiệp 4.0 cho doanh nghiệp nhỏ và vừa” tại 2 thành phố lớn Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Hoạt động này nằm trong khuôn khổ chương trình “Industry 4.0” thuộc dự án Trung tâm Chuyển đổi số Việt Nam (DTC-VN), do Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển CHLB Đức (BMZ) tài trợ. Hội thảo do Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) và Cục Phát triển doanh nghiệp – Bộ Kế hoạch và Đầu tư (AED – MPI) phối hợp thực hiện.
Hoạt động được tổ chức theo 02 hình thức trực tiếp và trực tuyến đã thu hút sự tham dự của gần 400 đại biểu là đại diện các Bộ ngành, sở Kế hoạch và đầu tư, Sở thông tin và truyền thông các Tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các hiệp hội/ hội, các doanh nghiệp cùng các cơ quan thông tấn báo chí. Hội thảo nhằm nâng cao nhận thức về lợi ích, tác động của chuyển đổi số và công nghiệp 4.0 đối với các nhà sản xuất trong nước để giúp các doanh nghiệp vượt qua các rào cản, triển khai thành công các giải pháp công nghệ với chi phí thấp và phát triển mạnh mẽ trong tương lai.
“Cách mạng công nghiệp 4.0 và Chuyển đổi số đang làm thay đổi tương lai của hầu hết các ngành nghề, đây được coi như điểm cốt lõi của kỹ nguyên số và có tác động mạnh mẽ đến tất cả các ngành và nghề trong nền kinh tế của mỗi quốc gia. Công nghệ 4.0 và Chuyển đổi số đang thúc đẩy sự linh hoạt trong sản xuất, giúp doanh nghiệp thích ứng nhanh chóng với sự thay đổi của thị trường. Các doanh nghiệp đã xem đây là xu thế bắt buộc, tất yếu để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, sức cạnh tranh và thực hiện thành công chiến lược xây dựng nền kinh tế số. Ngay từ đầu năm 2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ động ban hành Chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, giao Cục Phát triển doanh nghiệp là cơ quan đầu mối, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức hiệp hội và các đối tác cùng triển khai thực hiện. Hiện nay, chương trình đã hỗ trợ chuyên sâu cho hơn 100 doanh nghiệp nhỏ và vừa để cải thiện chiến lược kinh doanh, nâng cao năng lực sản xuất bằng cách áp dụng lộ trình chuyển đổi số, các gỉai pháp truy xuất nguồn gốc và thương mại điện tử” – Bà Trịnh Thị Hương, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết.
Bà Trịnh Thị Hương – Phó Cục trưởng, Cục Phát triển doanh nghiệp phát biểu tại Hội thảo
Ông Tarek Hassan– Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số Việt Nam – Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) cho biết Trong khuôn khổ dự án Trung tâm chuyển đổi số – DTC-VN của GIZ tại Việt Nam, với sự hỗ trợ của Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chúng tôi đã xây dựng Hợp phần Industry 4.0. Mục tiêu của chúng tôi thông qua hợp phần này là hỗ trợ và thúc đẩy quá trình chuyển đổi kép của doanh nghiệp. Cụ thể là chuyển đổi số song song với phát triển bền vững, được thiết kế với ba trụ cột hướng tới doanh nghiệp, bao gồm: (1) Tăng cường nhận thức; (2) Tăng cường năng lực; (3) Nâng cao năng lực hệ sinh thái. Chúng tôi tin tưởng rằng sẽ hỗ trợ đắc lực cho các doanh nghiệp trở nên cạnh tranh hơn, phát triển một cách mạnh mẽ hơn nữa trong kỷ nguyên số hóa. Cùng nhau tạo ra một tương lai đáng mong chờ cho Việt Nam.”
Ông Tarek Hassan – Giám đốc dự án Trung tâm chuyển đổi số Việt Nam phát biểu tại Hội thảo
Ông Wolfgan Wiegel – Chuyên gia cố vấn của tổ chức GIZ đã chia sẻ về tình hình chuyển đổi số, công nghiệp 4.0 tại một số nước trên thế giới và đưa ra các chiến lược chuyển đổi số của ngành sản xuất xe hơi tại Đức. Bên cạnh đó, chuyên gia cũng đưa ra các gợi ý cấp độ chuyển đổi số cho công ty và 06 yếu tố quan trọng để chuyển đổi số tiến tới công nghiệp 4.0 bao gồm: (1) Chiến lược và đổi mới; (2) Hành trình quyết định của khách hàng; (3) Tự động hóa quá trình robotic; (4) Tổ chức; (5) Công nghệ và (6) Dữ liệu lớn và phân tích.
Chuyển đổi số và công nghiệp 4.0 đã và đang có tác động ngày càng lớn đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên toàn thế giới. Điều này mang lại cả cơ hội và những cách thức mới, giúp các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ để tham gia vào nền kinh tế toàn cầu. Trước xu hướng chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trong tất cả các lĩnh vực kinh tế, các doanh nghiệp ở Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang phải đối mặt với những thách thức không nhỏ. Họ còn thiếu kiến thức, đồng thời chưa có nhiều cơ hội tiếp cận với các hỗ trợ kỹ thuật cần thiết để bắt đầu áp dụng các công nghệ cho doanh nghiệp.
Chuyển đổi số và công nghiệp 4.0 không còn là viễn cảnh xa vời, mà đang là xu thế tất yếu. Để trở thành doanh nghiệp số, tận dụng được các cơ hội chưa từng có của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các doanh nghiệp, các doanh nghiệp cần không ngừng đổi mới sáng tạo, sẵn sàng tâm thế “hành động”, “đột phá”, chủ động xây dựng chiến lược, bắt đầu từ chuyển đổi “nhận thức” của người sử dụng lao động và người lao động và kịp thời “hành động” để bứt phá trong kinh doanh.
Một số hình ảnh tại 02 buổi Hội thảo Kinh nghiệm quốc tế về chuyển đổi số và công nghiệp 4.0 tại TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh: